Mục lục
Trên thị trường chứng khoán có rất nhiều loại lệnh khác nhau nhằm hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong giao dịch mua bán. Trong số đó có lệnh ATC là một lệnh rất quan trọng, mặc dù chỉ xuất hiện trong 15 phút trong phiên khớp lệnh định kỳ nhưng nó lại là lệnh có hiệu lực lớn nhất. Vậy cụ thể lệnh ATC là gì? ATC trong chứng khoán là gì? Theo dõi ngay bài viết này để cùng kienthucquantri tìm hiểu về lệnh ATC trong giao dịch chứng khoán nhé!
1. Lệnh ATC là gì?
Lệnh ATC là gì?
Lệnh ATC (tên đầy đủ là At The Close Order) là lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh đã xác định tại giá đóng cửa. Đây là lệnh để các nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch mua – bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa. Tức là lệnh này cho phép giao dịch chứng khoán vào thời điểm gần đóng cửa hay đóng cửa của cuối phiên giao dịch.
Lệnh ATC được diễn ra trong khoảng thời gian từ 14h30 đến 14h45 từ thứ hai đến thứ sáu, có giá trị trong vòng 15 phút của phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa.
Một số thuật ngữ liên quan đến lệnh ATC cần biết
Phiên ATC là tên gọi tắt của phiên giao dịch định kỳ để xác định giá đóng cửa của lệnh ATC.
Cổ phiếu ATC: đây là loại cổ phiếu được đặt bán và mua trên sàn chứng khoán theo lệnh ATC. Để mua – bán cổ phiếu ATC, các nhà đầu tư đặt lệnh ATC giao dịch tại giá đóng cửa ở cuối phiên giao dịch.
Giá cổ phiếu ATC là giá đặt mua hoặc giá đặt bán cổ phiếu được giao dịch với lệnh ATC.
Giá ATC trong chứng khoán: là giá đặt mua hay đặt bán chứng khoán tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch
2. Đặc điểm của lệnh ATC
Để sử dụng được lệnh ATC các nhà đầu tư cần quan tâm đến đặc điểm của lệnh ATC. Sau đây là một số đặc điểm quan trọng của lệnh ATC mà nhà đầu tư cần lưu ý:
- Lệnh ATC chỉ áp dụng với các cổ phiếu đã được niêm yết trên 2 sàn chứng khoán là sàn HNX và HSX (HOSE), không áp dụng trên sàn Upcom
- Lệnh sẽ bị hủy bỏ sau 14h45 nếu lệnh không được thực hiện hoặc không được thực hiện hết.
- Đối với lệnh ATC giá giao dịch sẽ tuân thủ theo giá của thị trường, do đó sẽ không có mức giá cố định và được thực hiện với mức giá có sẵn tại thời điểm đóng cửa.
- Lệnh ATC sẽ không ghi mức giá cụ thể
- Lệnh này được ưu tiên hơn so với lệnh giới hạn (LO)
- Phí giao dịch sẽ được tính dựa trên giá trần
- Lệnh ATC chỉ áp dụng được trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa
3. Nguyên tắc khớp lệnh
Mọi giao dịch mua – bán chứng khoán khi thực hiện so khớp lệnh đều theo các một nguyên tắc khớp lệnh cụ thể. Đối với lệnh ATC sẽ theo 2 nguyên tắc về thời gian và giá cả như sau:
- Ưu tiên thời gian: Trường hợp lệnh bán và lệnh mua có chung mức giá thì các hệ thống giao dịch sẽ ưu tiên các lệnh vào trước được thực hiện trước.
- Ưu tiên về giá cả: Với trường hợp giá của lệnh bán thấp hơn hay giá của lệnh mua cao hơn thì việc thực hiện sẽ được ưu tiên trước.
Lệnh ATC cũng giống như lệnh giới hạn khi xác định được mức giá đóng cửa thì các lệnh giao dịch chứng khoán sẽ được nhập vào hệ thống nhưng không ghi mức giá mà chỉ nhập mỗi ATC cùng với nội dung.
4. Cách tính giá ATC
Để giúp các bạn hình dung rõ hơn về cách tính giá ATC, hãy theo dõi ví dụ dưới đây:
Ví dụ về lệnh ATC
Để hiểu hơn về lệnh ATC ta xem ví dụ sau:
Khối lượng mua (cổ phiếu) | Giá | Khối lượng bán (cổ phiếu) |
100.000 | ATC | 50.000 |
120.000 | 40 | 80.000 |
150.000 | 42 | 100.000 |
80.000 | 44 | 120.000 |
70.000 | 45 | 100.000 |
Việc đầu tiên bạn cần làm là xác định tổng khối lượng chấp nhận mua và chấp nhận bán tại mỗi mức giá. Ta tính tổng khối lượng cổ phiếu chấp nhận mua như sau:
Đối với bên Mua thì ưu tiên người mua với mức giá cao:
- Với mức giá ATC, tổng khối lượng chấp nhận mua bằng mọi giá là 100.000
- Ở mức giá 45 thì có 100.000 cổ phiếu sẽ chấp nhận đặt mua với giá ATC cộng thêm 70.000 cổ phiếu chấp nhận mua ở mức giá 45. Như vậy, tổng khối lượng cổ phiếu chấp nhận mua sẽ bằng:
100.000 + 70.000 = 170.000
- Ở mức giá 44 thì có 100.000 cổ phiếu sẽ chấp nhận đặt mua với giá ATC, cộng thêm 70.000 cổ phiếu chấp nhận mua với mức giá 45 và cộng thêm 80.000 cổ phiếu chấp nhận mua ở mức giá 44. Lúc này, tổng khối lượng cổ phiếu chấp nhận mua sẽ bằng:
100.000 + 70.000+80.000 = 250.000
(Vì nếu bạn sẵn sàng mua với giá 45 mà tôi bán với giá 44 thì bạn sẽ mua ngay vì được mua rẻ hơn, cho nên ở mức giá 44 ta cộng dồn và sẽ có 250.000 cổ phiếu chờ mua)
Ta tính khối lượng chấp nhận mua tương tự theo quy luật như vậy với mức giá còn lại.
Đối với bên Bán thì sẽ ưu tiên người bán với mức giá thấp:
- Với mức ATC, tổng khối lượng chấp nhận bán là 50.000
- Ở mức giá 40 có 50.000 cổ phiếu sẽ chấp nhận bán với giá ATC, cộng thêm 80.000 cổ phiếu chấp nhận bán ở giá 40. Vậy tổng khối lượng chấp nhận bán ở mức giá 40 sẽ bằng:
50.000 + 80.000 = 130.000
- Ở mức giá 42 có 50.000 cổ phiếu sẽ chấp nhận bán với giá ATC, cộng thêm 80.000 cổ phiếu chấp nhận bán ở giá 40, cộng thêm 100.000 cổ phiếu chấp nhận bán ở giá 42. Lúc này tổng khối lượng chấp nhận bán ở mức giá 42 sẽ bằng:
50.000 + 80.000 + 100.000 = 230.000
(Vì nếu bạn kỳ vọng sẽ bán ở mức giá 40, mà tôi sẵn sàng trả cho bạn mức giá cao hơn là 42 thì bán sẽ bán ngay vì được lời. Do đó, tổng khối lượng chấp nhận bán ở mức giá 42 sẽ có 230.000 cổ phiếu chờ bán)
Ta tính tổng khối lượng chấp nhận bán tương tự theo quy luật như vậy với các mức giá còn lại.
Sau khi tính được tổng khối lượng chấp nhận bán hay chấp nhận mua, ta đi so sánh để xác định tổng khối lượng có thể khớp tại mỗi mức giá. Cụ thể như sau:
Tại mức giá 40 tổng khối lượng chấp nhận mua là 520.000 cổ phiếu trong khi đó tổng khối lượng chấp nhận bán chỉ có 130.000 cổ phiếu, nên tổng khối lượng có thể khớp là 130.000 Cổ phiếu. Tương tư ta so sánh tổng khối lượng khớp tại các mức giá còn lại. Trong ví dụ trên thì tổng khối lượng khớp lớn nhất là 250.000 cổ phiếu tại mức giá 44, cho nên mức giá 44 sẽ được dùng làm giá đóng cửa hay gọi cách khác là giá ATC.
Tổng khối lượng chấp nhận mua | Khối lượng mua | Giá | Tổng khối lượng bán | Khối lượng bán | Tổng khối lượng khớp |
100.000 | ATC | 50.000 | |||
520.000 | 120.000 | 40 | 130.000 | 80.000 | 130.000 |
400.000 | 150.000 | 42 | 230.000 | 100.000 | 230.000 |
250.000 | 80.000 | 44 (Giá đóng cửa – giá ATC) | 350.000 | 120.000 | 250.000 |
170.000 | 70.000 | 45 | 450.000 | 100.000 | 170.000 |
5. Ưu điểm và nhược điểm của lệnh ATC
Ưu – nhược điểm của lệnh ATC
Ưu điểm:
- Vì lệnh ATC được ưu tiên khớp lệnh tại thời điểm cuối phiên giao dịch nên nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm bắt được giá đóng cửa.
- Ở cuối mỗi phiên giao dịch, các nhà đầu có thể mua – bán chứng khoán với giá tốt hơn trong phiên giao dịch. Chính vì thế mà lệnh ATC được sử dụng như một công cụ tranh bán hoặc tranh mua chứng khoán với mức giá tốt nhất tại cuối phiên giao dịch. Các nhà đầu tư thấy giá khớp thấp thì có thể đưa lệnh ATC vào để cạnh tranh mua và ngược lại giá khớp cao thì có thể đưa lệnh ATC vào để cạnh tranh bán.
- Đối với lệnh ATC nếu thực hiện chưa xong hoặc không được thực hiện thì lệnh sẽ bị hủy tự động sau thời điểm xác định giá đóng cửa. Điều này giúp cho các nhà đầu tư hạn chế được rủi ro mua – bán trong các phiên khớp lệnh đóng cửa.
Nhược điểm:
- Lệnh ATC là lệnh không phép các nhà đầu tư hủy, bổ sung hay sửa lệnh.
- Do lệnh ATC không tham gia vào quá trình xác định giá khớp lệnh nên khó kiểm soát về giá khớp lệnh. Vì vậy, nhà đầu tư nên cân nhắc khi sử dụng lệnh này vì có thể giá bán sẽ quá thấp hay giá mua sẽ quá cao.
- Lệnh ATC không dành cho các nhà đầu tư mới vì khi sử dụng lệnh ATC bạn có thể gặp phải rủi ro khi mua với giá cao hoặc bán với giá thấp. Do đó muốn sử dụng được lệnh ATC đòi hỏi nhà đầu tư cần có sự tính toán và kinh nghiệp vững trên thị trường.
6. Cách sử dụng lệnh ATC hiệu quả
Khi đã nắm được khái niệm, đặc điểm và nguyên tắc của lệnh ATC thì dưới đây là một số lưu ý mà các nhà đầu tư nên cân nhắc để sử dụng lệnh ATC một cách hiệu quả:
- Trên các sàn giao dịch lệnh ATC có ký hiệu là “U”
- Lưu ý trước khi đặt lệnh ATC thì các nhà đầu tư nên xác định rõ khối lượng cổ phiếu muốn mua để đảm bảo tiền trong tài khoản vẫn đủ cho việc thanh toán khi khớp lệnh.
- Trong phiên ATC bạn không thể hủy hoặc bổ sung hay sửa đổi lệnh
- Trong phiên ATC, nếu nhà đầu tư đặt lệnh giới hạn (lệnh LO) mà giá đặt mua bằng hoặc cao hơn chốt phiên hoặc ngược lại thì lệnh sẽ được khớp.
- Nếu trên bảng giá có mỗi lệnh ATC thì giá khớp lệnh sẽ không thể xác định được
- Lệnh ATC hiệu quả khi các nhà đầu tư dùng nó để tranh mua hoặc tranh bán trong các phiên khớp lệnh đóng và mở cửa. Áp dụng lệnh ATC vào tranh bán nếu giá khớp lệnh ở mức cao nhất hoặc tranh mua nếu giá khớp lệnh ở mức thấp nhất. Nhưng lệnh ATC chỉ áp dụng trong phiên khớp lệnh định kỳ nên các nhà đầu tư chỉ nên sử dụng lệnh này tạm thời thôi.
- Mặc dù, lệnh ATC là lệnh hỗ trợ các nhà đầu tư tranh thủ vớt vát lợi nhuận vào cuối giờ nhưng cũng không nên quá lạm dụng lệnh này nếu bạn thiếu hiểu biết về thị trường bởi nó sẽ mang đến cho bạn rất nhiều rủi ro. Tóm lại, muốn đưa ra được lệnh ATC tốt nhất bạn phải là một nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm và có trình độ chuyên môn nhất định về chứng khoán.