Mục lục
Cấu trúc vốn là gì? Cấu trúc vốn của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố nào? Xem ngay bài viết dưới đây để hiểu thêm về yếu tố này.
Cấu trúc vốn là gì?
Cấu trúc vốn được hiểu là sự kết hợp của các yếu tố như số lượng nợ ngắn hạn thường xuyên, nợ dài hạn, cổ phần ưu đãi, cổ phần thường dùng để tài trợ cho quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Với các doanh nghiệp hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng độc lập và tự chủ về tài chính, nhất là với các doanh nghiệp còn khá “non trẻ”. Để có thể phát triển mạnh mẽ, bắt buộc phải có cấu trúc vốn. Đây cũng chính là cách mà nhiều doanh nghiệp thực hiện việc tìm kiếm nguồn vốn kết hợp thông qua bán cổ phần, phát hành trái phiếu và vay ngân hàng.
Xem thêm: Các chỉ tiêu phân tích báo cáo tài chính CEO cần biết.
Cấu tạo của cấu trúc vốn
Cấu trúc vốn được tạo thành bởi 3 yếu tố: nguồn vốn vay, vốn chủ sở hữu và các tỷ số đo lường cấu trúc vốn.
Nguồn vốn vay
Trong nền kinh tế, hầu như không doanh nghiệp nào chỉ hoạt động kinh doanh bằng vốn tự có mà đều phải dựa trên nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó đáng kể là nguồn vốn vay.
Nguồn vốn vay là nguồn vốn được tài trợ từ bên ngoài doanh nghiệp và doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán, lãi vay theo thời gian, lãi suất đã cam kết. Vốn vay mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc mở rộng và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Trong cấu trúc vốn người ta chỉ xét tới nguồn vốn vay trung hạn và dài hạn, vốn ngắn hạn không được nhắc tới.
Nguồn vốn vay này doanh nghiệp có thể huy động từ các tổ chức tài chính, ngân hàng hay bằng việc phát hành trái phiếu. Việc sử dụng loại nguồn vốn vay này nhiều hay ít còn tùy thuộc vào đặc điểm của loại hình kinh doanh và doanh nghiệp đang ở trong chu kỳ kinh doanh.
Nguồn vốn chủ sở hữu
Vốn chủ sở hữu (Owner’s Equity) được hiểu là nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp các thành viên trong công ty liên doanh hoặc các cổ đông trong các công ty cổ phần.
Hiểu đơn giản vốn chủ sở hữu bằng tổng tài sản của doanh nghiệp trừ đi nợ phải trả.
Nguồn vốn chủ sở hữu phản ánh tình trạng nợ hiện tại của doanh nghiệp. Nếu vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản thì doanh nghiệp nợ ít, ngược lại nếu vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng thấp trong tổng tài sản tức là doanh nghiệp đang nợ khá nhiều.
Các tỷ số đo lường cấu trúc vốn
Tỷ số nợ dài hạn trên vốn chủ sở hữu = Nợ dài hạn / Vốn chủ sở hữu
Trong đó:
- Nợ dài hạn: là những khoản nợ có thời hạn thanh toán trên một năm như vay dài hạn bằng phát hành trái phiếu,tài sản thuê mua.
- Vốn chủ sở hữu gồm Vốn cổ phần và lợi nhuận giữ lại
Vốn cổ phần = P x N
P: Giá thị trường của cổ phiếu tại thời điểm lập báo cáo
N: Số cổ phiếu đang lưu hành
Lợi nhuận giữ lại là lợi nhuận ròng sau khi đã chi trả cho cổ đông dưới dạng cổ tức.
Bên cạnh đó người ta còn sử dụng tỷ số liên quan khi phân tích cấu trúc vốn của doanh nghiệp:
Tỷ Số nợ = Nợ dài hạn/ Tổng tài sản
Trong đó, tổng tài sản gồm: tài sản lưu động và tài sản cố định. Hay được hiểu là tổng giá trị toàn bộ kinh phí đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện ở phần bên trái của bảng cân đối kế toán.
Các nhân tố ảnh hưởng tới cấu trúc vốn
Trong quá trình hình thành, cấu trúc vốn thường chịu ảnh hưởng của các yếu tố sau:
Rủi ro doanh nghiệp phải đối mặt và thuế thu nhập doanh nghiệp
Các rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt có thể là rủi ro phát sinh đối với các tài sản của công ty ngay cả khi công ty đó không sử dụng nợ. Công ty nào có rủi ro doanh nghiệp càng lớn thì tỷ lệ nợ tối ưu càng hạ thấp.
Trong tài chính doanh nghiệp, lãi vay là yếu tố chi phí trước thuế nên việc sử dụng nợ giúp công ty tiết kiệm thuế. Tuy nhiên điều này sẽ không còn nhiều ý nghĩa với những công ty được ưu đãi hay vì lý do gì đó mà thuế thu nhập được phép đóng ở mức thấp.
Sự chủ động về tài chính
Nếu bạn lạm dụng nợ quá nhiều, chính nó sẽ làm giảm đi sự chủ động về tài chính, đồng thời còn làm xấu đi bảng cân đối kế toán, khiến các nhà cung cấp vốn cho vay ngần ngại đầu tư vào công ty.
Quan điểm của nhà lãnh đạo
Quan điểm lãnh đạo quyết định không nhỏ tới cấu trúc vốn. Nếu lãnh đạo có quan điểm rõ ràng và dứt khoát thì sẽ có thể vay vốn, nhanh chóng thực hiện các hoạt động sản xuất tạo ra doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên nếu lãnh đạo tỏ ra rụt rè, không dám chấp nhận rủi ro thì cấu trúc vốn doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi theo hướng khác.